Friday, March 30, 2012

Giải quyết khó khăn – Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

Đánh máy: Liên Hoa – Huỳnh Hoa
Nguồn: Trích trong quyển “7 Bước Yêu Thương” của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

Tại các thành phố lớn, tại các nông trại, tại những nơi xa xôi hẻo lánh, trên toàn thế giới này, tất cả mọi người đều liên tục bận rộn. Tại sao vậy? Tất cả chúng ta đều được thúc đẩy bởi khao khát muốn tìm kiếm niềm hạnh phúc cho chính mình. Rõ ràng đó là một khao khát đúng đắn, hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cần phải luôn ghi nhớ rằng nếu chúng ta quá bận tâm đến những ham muốn trần tục trong cuộc đời này thì điều đó cũng chẳng giải quyết được khó khăn lớn nhất của chúng ta là sự bất mãn. Lòng yêu thương, lòng từ bi và sự quan tâm đến mọi người quanh mình mới thực sự là những nguồn hạnh phúc. Với những tình cảm dào dạt này, bạn sẽ không bị quấy rối ngay cả trong những hoàn cảnh khó chịu nhất. Trong khi đó, nếu bạn dung dưỡng lòng căm thù, bạn sẽ không bao giờ được hạnh phúc ngay cả khi bạn được sống một đời sống xa hoa. Thế nên, nếu chúng ta thực sự muốn có được niềm hạnh phúc, chúng ta cần phải mở rộng lòng yêu thương của mình – lòng yêu thương theo ý nghĩa tín ngưỡng lẫn lòng yêu thương theo cách hiểu thông thường.

Bạn không thể vận dụng tức giận để chế ngự được tức giận. Nếu một người thể hiện sự giận dữ với bạn và bạn cũng thể hiện sự giận dữ đối với anh ta, kết quả của việc này là một thảm họa. Ngược lại, nếu bạn kiểm soát được cảm xúc tức giận của mình và bạn thể hiện được phẩm chất đối nghịch với nó – lòng yêu thương, lòng từ bi, lòng khoan dung và đức kiên nhẫn – thì khi đó bạn sẽ luôn giữ được sự hòa bình tĩnh tại trong lòng mình, đồng thời cảm xúc tức giận của người kia cũng dần dần biến mất. Một sự thực hiển nhiên mà tất cả mọi người chúng ta ai cũng biết là , khi cảm xúc tức giận xuất hiện thì cảm xúc hòa bình tĩnh tại không bao giờ xuất hiện. Chỉ qua lòng tốt và lòng yêu thương bạn mới có thể có được sự hòa bình tĩnh tại trong tâm hồn mình.

Chỉ có con người mới có khả năng phán xét và lý luận; chúng ta có thể phát huy được một lòng yêu thương vô hạn. Chúng ta là loài động vật thông minh nhất và chỉ có chúng ta mới có được khả năng phát triển được những tình cảm tốt đẹp vô bờ. Tuy nhiên, khi con người tức giận thì tất cả mọi tiềm năng này đều biến mất. Không có kẻ thù nào có thể biến mất những tiềm năng này trong bạn, nhưng cảm xúc tức giận lại có thể. Tức giận quả thực là một kẻ hủy diệt kinh khủng.

Nếu bạn quan sát mọi việc ở mức độ sâu sắc, bạn sẽ thấy rằng mọi hành động của con người hoàn toàn có thể tìm được tâm hồn kiểm soát. Thái độ chủ bại không bao giờ tự xuất hiện mà chỉ xuất hiện do sự ngu dốt. Rõ ràng là, chúng ta cũng có thể tìm được thành công trong chính mình. Qua sự tự kỷ, qua sự tự xét và qua khả năng suy xét sáng suốt về những kết quả to lớn từ lòng tốt, chúng ta có thể, khi đó sự hòa bình tĩnh tại lập tức xuất hiện trong tâm hồn. Ví dụ, giờ đây bạn là một người dễ dàng nổi nóng. Tuy nhiên, với sự hiểu biết sáng suốt về những tác hại của cảm xúc tức giận và về những ích lợi của lòng yêu thương, cảm xúc tức giận trong lòng bạn sẽ được đẩy lùi và dần dần được thay thế bằng những cảm xúc tích cực khác. Mục tiêu của cuốn sách này là nhằm trang bị cho bạn nền tảng của sự hiểu biết sáng suốt giá trị, từ nền tảng này bạn có thể phát triển được một lòng yêu thương đúng nghĩa. Chúng ta cần phải trau dồi phát triển tâm hồn mình.

Tất cả mọi tôn giáo đều muốn truyền đến bạn thông điệp về lòng yêu thương, lòng từ bi, tính chân thật, tính lương thiện, trung thực. Mỗi hệ thống tín ngưỡng đều tìm cách cải thiện đời sống của tất cả mọi người chúng ta. Tuy nhiên nếu chúng ta quá đề cao triết lý của chính mình, quá đề cao tôn giáo của chính mình, quá đề cao các học thuyết của chính mình, nếu chúng ta gắn chặt chính mình với những thứ đó và cố gắng níu kéo người khác theo định hướng của mình thì mọi khó khăn thì mọi khó khăn rắc rối sẽ xuất hiện. Về cơ bản, tất cả những bậc thầy vĩ đại, gồm Gautama Buddha, Jesus Christ, Muhammad và Moses, tất cả đều được thúc đẩy bởi niềm khao khát muốn giúp đỡ tất cả mọi người. Họ không tìm cách đạt được bất kỳ thứ gì cho chính họ, họ cũng không tìm cách tạo ra các khó khăn rắc rối cho thế gian này.

Tín ngưỡng có thể có ý nghĩa giống với những triết lý sâu sắc nhưng ẩn trong sâu thẳm cốt lõi của tín ngưỡng chính là lòng yêu thương và lòng từ bi. Thế nên, trong cuốn sách này tôi sẽ mô tả bài luyện tập nhằm trau dồi phát triển lòng yêu thương mà tôi đã từng luyện tập qua. Khi tham gia bài luyện tập về lòng yêu thương này, tôi hy vọng rằng tất cả các bạn sẽ có được sự hòa bình tĩnh tại trong tâm hồn mình. Những người vị kỷ một cách ngu dốt luôn luôn suy nghĩ về chính họ và kết quả của việc này luôn mang tính tiêu cực. Những người khôn ngoan thì lại luôn suy nghĩ về những người khác, họ ra sức giúp đỡ mọi người quanh mình miễn là họ có thể và kết quả đến với họ là gì? Là niềm hạnh phúc ngập tràn trong tâm hồn họ. Lòng yêu thương và lòng từ bi luôn đem lại những lợi ích to lớn cho bạn và cho tất cả mọi người quanh bạn. qua lòng tốt mà bạn dành cho tất cả mọi người quanh mình, tâm hồn và con tim bạn sẽ được mở rộng để đón nhận sự hòa bình tĩnh tại.

Việc trải rộng lòng mình đối với tất cả mọi người quanh mình sẽ giúp bạn có được sự hài hòa cân đối trong mọi hoàn cảnh, rồi đây tất cả mọi người sẽ trân trọng nhau, thế giới này sẽ trở thành một thế giới đại đồng và cuối cùng tất cả mọi người sẽ chung vai hợp sức để giảu quyết tất cả các khó khăn rắc rối của thế giới này. Tất cả những điều này là hoàn toàn có thể, nhưng trước hết chúng ta cần phải tự thay đổi chính bản thân mình.

Mỗi người trong chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nhân loại. Chúng ta cần phải nghĩ về nhau như những người anh em thân thích và chúng ta cần phải quan tâm đến lợi ích của tất cả mọi người quanh mình. Chúng ta phải tìm cách giảm thiểu những đau khổ của mọi người quanh mình. Thay vì cố gắng làm việc chỉ để tích lũy của cải, chúng ta cần phải làm một điều gì đó ý nghĩa hơn, một điều gì đó hướng tới mục tiêu là vì lợi ích của toàn nhân loại.

Việc được thúc đẩy bởi lòng từ bi và lòng yêu thương, việc đánh giá cao chân giá trị của mọi người quanh mình – miệng nói về Thượng đế nhưng lại luôn suy nghĩ một cách vị kỷ – đó không phải là một hành vi của một tín ngưỡng. Mặc khác, một chính trị gia hoặc một luật sư với sự quan tâm thực sự đến toàn nhân loại và anh ta luôn tham gia những hoạt động nhằm mang lại lợi ích cho mọi người quanh mình, trong trường hợp này quả thực anh ta đang thực hành một tín ngưỡng chân chính. Mục tiêu của chúng ta phải phục vụ người khác, chứ không phải là chế ngự bóc lột họ. Những người khôn ngoan là những người luôn thực hành lòng yêu thương. Như lời vị học giả Ấn Độ và cũng là bậc thầy du-già, Nagarjuna, nói trong cuốn Những lời khuyên quý báu của mình:

Khi đã phân tích cặn kẽ
Tất cả mọi hành động, lời nói và tâm hồn
Những ai ý thức được những gì có thể mang lại lợi ích cho chính mình và cho mọi người
Họ là những người khôn ngoan.

Một hành vi mộ đạo được thúc đẩy bởi một động cơ tốt đẹp với những suy nghĩ chín chắn về lợi ích đối với mọi người quanh mình. Mộ đạo ở đây được hiểu theo ý nghĩa thông thường trong đời sống hằng ngày. Nếu chúng ta sống một đời sống vì lợi ích của toàn thế gian, thì đây chính là dấu hiệu cho thấy một tâm hồn mộ đạo.

Đây chính là phương châm của tôi, đây chính là tín ngưỡng của tôi, đây chính là tôn giáo của tôi. Không cần đến những học thuyết phức tạp. Tâm hồn của chính bạn, con tim của chính bạn, chính là những đền đài; học thuyết của bạn đơn giản là lòng tốt mà thôi

Từ Bi và Kẻ Thù

T.X.
 
Viết bởi Tuệ Dũng   
Thông thường khi tâm chúng ta không đạt được điều mình mong ước thì trở nên bực bội và tự làm cho mình mất đi sự an lành. Thất vọng và không toại nguyện sẽ gây nên sự bất an và xáo trộn trong tâm hồn chúng ta. Nhưng nếu chúng ta hiểu rằng tất cả mọi việc trên đời, khi đủ nhân duyên thì thành tựu. Khi nhân duyên không hội đủ thì chúng ta có mong muốn đến đâu đó cũng sẽ không thành. Đó là định luật của tạo hóa. Dù muốn hay không muốn, chúng ta cũng không thể nào ngăn cản đừng cho chúng xảy ra. Vậy thì khi không thể tránh được, chúng ta lo âu buồn khổ hoặc thất vọng để làm gì?
Khi không được toại nguyện tâm chúng ta thường trở nên bực dọc. Hoặc có người dùng gậy đánh ta, phản ứng bình thường là chúng ta nổi giận và lập tức muốn trả thù. Nhưng Phật Pháp dạy rằng trong trường hợp đó chúng ta nên bình tĩnh và tìm hiểu tường tận nguyên nhân của sự việc, là người đó, tâm của người đó hay cây gậy đã đánh ta?
Phân tích được như vậy chúng ta sẽ nhận ra là chúng ta chỉ nên giận cái tâm vô minh sai lầm trong con người kia, vì nó chính là nguyên nhân khiến cho họ hành động điên rồ. Chúng ta nên quán xét như vậy để ứng xử với các hoàn cảnh khó khăn xảy đến cho cuộc đời mình.
Nên nhớ tâm sân hận sẽ đưa chúng ta gặp nhiều đau khổ hơn trong kiếp sau. Vì thế, khi gặp cảnh thiệt thòi và đau khổ chúng ta nên nhẫn nhục và chịu đựng. Làm như vậy có thể giúp chúng ta thoát khỏi các hoàn cảnh khổ đau ở tương lai.
Khi sân hận chúng ta dễ dàng đi đến hận thù và có thể giết hại cả những người đã từng tử tế và giúp đỡ chúng ta, hoặc chúng ta có thể gây nên những điều độc ác làm hại đến người khác. Như vậy sân hận không bao giờ đem lại an lạc và hạnh phúc cho mình và cho người. Chính sân giận là một loại kẻ thù vô cùng độc hại của tâm và chúng ta cần quán chiếu để tránh xa nó.
Một điều vô cùng quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ là khi tâm bị sận giận, hận thù, độc ác dẫn dắt chúng ta đến những hành động sai lầm, bất thiện đối với người khác. Những ác nghiệp đó sẽ tàng trữ trong tâm thức của chúng ta và khi chết chúng sẽ đưa chúng ta đi tái sinh trong các cõi thấp hèn cực kỳ đau khổ. Lúc đó bao nhiêu công đức tu tập của chúng ta cũng đều tiêu tan. Vì vậy để đối trị lại tâm sân giận và hận thù, chúng ta cần phải thực tập hạnh nhẫn nhục. Mặt khác, khi có người làm hại chúng ta, tâm chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất thái độ từ bi đối với họ.
Giáo pháp của Đức Phật dạy chúng ta chịu đựng và nhẫn nhục để có được tâm bình an và sáng suốt. Nhờ vậy, khi chúng ta phải va chạm với những năng lực thù hận hay nghịch cảnh nào đi nữa, tâm chúng ta vẫn có được thái độ bình thản và an lành. Ngoài ra sự nhẫn nhục chịu đựng của một người tu tập tâm linh trước các tình cảm khó khăn đau khổ, còn cho thấy giá trị của sự kiên cường và dũng cảm của họ, vì đó cũng là cơ hội để chuyển hóa tâm thức để đạt tới giác ngộ và giải thoát. Bởi vì khi không khổ đau, chúng ta sẽ không quyết tâm chấm dứt vòng luân hồi sinh tử.
Lẽ dĩ nhiên khi chúng ta tuyên chiến với phiền não, chắc chắn chúng ta sẽ phải gặp nhiều nghịch cảnh, khó khăn. Đối với cuộc sống của một con người ở thế gian, đâu có ai đi đánh nhau mà lại an lành, thoải mái. Bởi vì khi chúng ta khai chiến với nghịch cảnh và phiền não, đương nhiên các năng lượng tốt lành trong chúng ta sẽ suy yếu đi, còn lo lắng ưu phiền thì lại tăng tưởng thêm. Vì vậy, trong tình cảnh đó chắc chắn chúng ta sẽ phải chịu đựng ít nhiều buồn khổ. Điều quan trọng là chúng ta hiểu được vấn đề sẽ là như vậy, để có thể chấp nhận và chịu đựng để chấp nhận những nỗi khổ xảy đến cho chính mình để vượt qua lòng thù hận. Theo tôi, đó mới là người thắng trận và thực sự là anh hùng có sức mạnh nội tâm.
Đối với người ác tâm làm hại chúng ta, nếu chúng ta tập quán từ bi và nhẫn nhục, chúng ta có thể tiêu trừ được nhiều ác nghiệp cũ. Kẻ thù làm hại chúng ta là vì vô minh. Nếu chúng ta cũng thù hận và trả đũa lại, thì cả hai đều sai lầm và có lỗi. Nếu chúng ta không bị vô minh làm cho u tối, chắc chắn chúng ta sẽ không hành xử giống như người đã làm hại chúng ta.
Tâm sân giận và hận thù có thể đưa chúng ta chịu cảnh khổ đau trong địa ngục cả ngàn năm. Hiểu được sự tai hại của tâm sân hận, chúng ta phải cố gắng tự chủ nơi bản thân và loại bỏ tính xấu này. Nếu không, chúng ta cứ tạo thêm ác nghiệp thì công trình tu tập của chúng ta cũng tiêu rụi đi như một đám lửa tàn.
Bình thường khi nghe người khác khen ngợi về một người nào đó, chúng ta thường khởi tâm ganh tỵ. Thái độ này thật là sai lầm cần phải loại trừ. Như vậy chúng ta thường cầu nguyện câu “mong cho chúng sinh được an lạc” để làm gì? Đó chỉ là lời cầu nguyện suông của chúng ta? Nếu chúng ta thật tâm mong ước cho tất cả chúng sinh được an vui thì tại sao người ta vui còn bạn thì bực mình? Nếu chúng ta thường cầu nguyện “mong cho chúng sinh đồng thành Phật Đạo” thì tại sao bạn lại ghen tức khi người ấy đến bờ giác ngộ và được người đời kính nể? Tại sao chúng ta lại sinh tâm đố kỵ và cạnh tranh với người được nhiều phước lành hơn chúng ta? Khi món quà đó hay ân phước đó không phải là của bạn, thì tại sao bạn lại bực tức và giận dữ? Nếu bạn không muốn họ được phước lành và an vui, thì bạn cầu nguyện cho chúng sinh để làm gì?
Nhưng người có tu tập tâm linh tâm và làm các điều thiện vì thế ngày nay họ được các quả lành. Tại sao bạn lại ganh tỵ với họ? Hãy thử nghĩ cho kỹ xem vì sao bạn lại vui mừng khi thấy người khác thất bại và đau khổ? Ác tâm đó sẽ đưa dẫn bạn đọa đày trong địa ngục tăm tối chịu khổ đau trong nhiều kiếp. Tiền tài, địa vị, danh tiếng của kiếp người thật là phù du, ngắn ngủi. Vì thế chúng ta cần có trí tuệ để phân biệt được điều gì nên làm và cố gắng làm để mang lại lợi ích cho chúng sinh. Còn những điều bất thiện có nguy cơ làm hại, gây khổ đau cho người khác và đưa chúng ta đến chỗ thấp hèn thì chúng ta nên dừng lại, trước khi chúng ta tạo nên quá nhiều nghiệp ác.
Theo giáo lý của Đạo Phật, đức nhẫn nhục cực kỳ quan trọng trong hạnh nguyện của Bồ Tát, và nhờ có kẻ thù xuất hiện mà chúng ta phát triển được đức hạnh này. Vì vậy kẻ thù cho chúng ta cơ hội để thực tập hạnh nhẫn nhục mà không phải làm hại đến ai. Người bị coi là kẻ thù vì họ có ý làm hại chúng ta; nhưng chính họ cũng là người giúp cho chúng ta cơ hội thực tập hạnh nhẫn nhục của các vị Bồ Tát. Nếu ai cũng tốt bụng và từ ái với chúng ta thì làm sao chúng ta có cơ hội để thực tập đức hạnh này?
Nếu chúng ta là người tu tập tâm linh và bị kẻ thù gây trở ngại, chúng ta nên quán tưởng kẻ thù như là một cơ duyên để chúng ta tu tập nhẫn nhục. Vì vậy khi chúng ta nuôi dưỡng được lòng thương xót đối với kẻ thù thì chúng ta cũng sẽ có được tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy sự thành công của chúng ta trên đường tu tập tâm linh.
Theo lý nhân quả, vì nghiệp ác của đời trước nên kiếp này chúng ta bị kẻ thù làm hại. Còn kẻ thù của chúng ta vì vậy tạo nghiệp ác trong đời này mà phải chịu cảnh khổ trong địa ngục ở tương lai. Vì làm hại chúng ta mà kẻ thù phải nhận lãnh nghiệp quả khổ đau. Như vậy chính chúng ta cũng có trách nhiệm về những nghiệp bất thiện này của kẻ thù. Hơn nữa, kẻ thù còn tạo cơ hội cho chúng ta thực tập hạnh nhẫn nhục và đạt đến giác ngộ. Suy gẫm cho kỹ thì kẻ thù là người mang đến lợi ích cho chúng ta trên đường tu tập.
Nhờ có kẻ thù làm hại, mà chúng ta phát triển được tâm nhẫn nhục và đức tính vị tha. Vì vậy, cho dù kẻ thù làm hại chúng ta, chúng ta vẫn luôn cố gắng đối xử với họ bằng tâm từ ái. Chúng ta hành xử như vậy cũng là cách đền đáp ân đức của chư Phật và Bồ Tát vì các Ngài thương yêu muôn loài với lòng Từ Vô Lượng.
Nếu chung ta có lòng nhẫn nhục, bao dung tha thứ những chúng sinh đã làm hại ta, thì không những chúng ta mang lại an vui cho chúng sinh mà chúng ta còn làm đẹp lòng chư Phật. Đây là phương cách tốt nhất để bày tỏ lòng biết ơn quý Ngài và tạo sự bình an hạnh phúc nơi tâm chúng ta.
Khi nuôi dưỡng lòng Từ Bi chúng ta nên suy gẫm về những nỗi khổ đau của chúng sinh và đó cũng là động cơ thúc đẩy chúng ta dấn thân giúp đỡ chúng sinh giảm đi phần nào đau khổ. Bình thường trong cuộc sống, chúng ta thường bận rộn với những chuyện vui buồn của thế gian và của chính mình nên chúng ta thường bỏ quên chúng sinh. Do đó tất cả phiền não, khổ đau mà chúng ta gặp phải thường là kết quả của lòng tham đắm hạnh phúc cho riêng mình. Chính lòng vị kỷ và sự nhận thức sai lầm về tự ngã đưa chúng ta đến bất an, khổ đau và độc ác.
Để tránh những điều tai hại này chúng ta cần phải nỗ lực phục vụ chúng sinh, làm cho chúng sinh được an vui hạnh phúc như chư Phật đã làm. Đó cũng là cách chúng ta báo đáp ân đức sâu dày của chư Phật.
Chúng ta cũng phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta thường sống ích kỷ, hay ganh đua với người bằng sức và ghen tỵ với người hơn mình. Vì vậy chúng ta thường tự cảm thấy tại sao người kia được mọi người kính nể còn ta thì lại không? Tại sao người kia thường được ngợi khen còn ta thì không ai đoái hoài đến? Tại sao người kia luôn sung sướng mà ta thì quá nhọc nhằn? Tại sao người kia nổi danh khắp nơi trong khi ta thì quá lu mờ chẳng được ai chú ý? Đây là những cảm thọ làm phát sinh phiền não và đưa dẫn chúng ta vào chốn sinh tử luân hồi khốn khổ.
Nếu từ bao lâu nay, chúng ta chỉ sống ích kỷ lo cho mình và thường hay làm hại đến người khác, thì ngay từ bây giờ chúng ta phải suy nghĩ lại và bắt đầu huấn luyện tâm thức chính mình để quan tâm đến an vui, lợi ích của chúng sinh. Khi nhận thức được sai lầm của sự chấp ngã, chúng ta phải cố gắng lìa bỏ nó đi và tích cực đóng góp khả năng của chúng ta vào việc mang lại hạnh phúc cho muôn loài. Hãy trao tặng chúng sinh khả năng, thì giờ và công sức của chúng ta với tấm lòng thành khẩn. Làm như vậy chúng ta sẽ thực tập được sự lìa bỏ vướng mắc của thế gian vốn là nguồn gốc phát sinh mọi khổ đau.
Tâm thanh đắm, sân si, ganh tỵ, ghét bỏ hay thù hận chỉ khởi lên khi chúng hội đủ điều kiện và vì vậy chúng cũng có thể bị loại trừ. Bản chất của tâm là trong sáng và tỉnh thức. Cho nên chúng ta có thể tu tập để lìa bỏ vọng tâm và phát triển chân tâm.
Cũng như vậy, khi tâm si mê thì chúng ta bất an và đau khổ. Khi thoát ra được cảm thọ của si mê thì tâm được bình an hạnh phúc. Chúng ta cần quán tưởng về sự vướng mắc của chúng ta và đối tượng của sự vướng mắc. Hãy thử nghĩ xem chúng ta vướng mắc với ai và vì sao ta lại vướng mắc. Nếu chúng ta thực tâm hiểu cuộc sống thế gian chỉ là giấc mộng thì chúng ta có nên mù quáng si mê và vướng mắc nữa không? Cũng như bạn và kẻ thù; những người làm tốt đẹp cho chúng ta thì gọi là kẻ thù. Như vậy chúng ta sẽ vướng mắc vào người mà chúng ta thương.
Và chúng ta cũng rất sai lầm khi nghĩ rằng kẻ thù luôn luôn là người xấu ác. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được mọi sự việc xảy ra trên đời đều do nhân duyên kết hợp và vì thế nó cũng là huyễn mộng vô thường như giấc chiêm bao thì chúng ta sẽ buông bỏ được tất cả ngã chấp.
Vì ngã chấp mà chúng ta bị trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử. Đức Phật dạy chúng ta phương pháp thoát khổ là quán chiếu về tính cách trống rỗng, không có tự tánh của các pháp. Nếu chúng ta đọc nhiều kinh sách chỉ có kiến thức thôi thì cũng chẳng ích lợi gì, chúng ta phải chuyên cần tu tập theo các pháp Đức Phật dạy, chắc chắn chúng ta sẽ đạt đến bờ Giác Ngộ và Giải Thoát.
Trích "Từ Bi và Kẻ Thù"
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
Chuyển ngữ: Phương Dung

 


Đau Khổ
Viết bởi Tuệ Dũng
Chúng tôi đã thuyết giảng về những cảm xúc đau khổ và các tai hại mà chúng sẽ gây ra cho việc hành trì tu tập của chúng ta. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là chúng ta không quan tâm đến những cảm xúc đó. Tôi biết rằng trường dạy Tâm Lý Học ở Tây Phương người ta thường khuyến khích việc bày tỏ những cảm giác và xúc cảm, ngay cả những cảm xúc tức giận.
Chắc hẳn có nhiều người đã gặp phải những nỗi đau buồn trong quá khứ của họ, nếu những cảm xúc này bị dồn ép, chúng có thể tạo nên sự tác hại tâm lý lâu dài. Trong những trường hợp như vậy, nói theo cách nói của người Tây Tạng: “khi vỏ sò khép kín, muốn làm sạch sẽ nó, cách tốt nhất là thổi vào nó”.
Do đó, tôi nghĩ rằng điều quan trọng cho những ai muốn tu tập có kết quả cần tự mình kiềm chế chống trả lại những cảm xúc tai hại như sự tức giận, lòng tham luyến, và tính ganh ghét. Thay vì theo đuổi những tình cảm tiêu cực, chúng ta nên cố gắng giảm thiểu sự lôi cuốn hướng về chúng.
Nếu chúng ta tự hỏi bản thân là khi nóng giận, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn hay lúc chúng ta điềm tĩnh thì câu trả lời thực rõ ràng. Như chúng ta đã thảo luận trước đây, sự rối loạn tinh thần là do kết quả gây nên bởi những cảm xúc đau khổ khiến nội tâm bị xáo trộn và chúng ta cảm thấy bất an cũng như phiền não.
Muốn hạnh phúc, mục tiêu chính của chúng ta là phải chiến đấu với những cảm xúc khổ đau này. Chúng ta chỉ có thể đạt được hạnh phúc khi chúng ta quyết tâm và nỗ lực tu tập trong một thời gian dài - và theo cách nói của những người Phật tử chúng ta là có thể nhiều kiếp trong tương lai.
Như chúng ta đã thấy, những nỗi khổ đau tinh thần không bao giờ biến mất, chúng cũng không dễ dàng tiêu tan theo thời gian. Chúng chỉ chấm dứt khi tâm chúng ta nỗ lực hủy diệt, làm giảm khả năng tác hại và cuối cùng hoàn toàn loại bỏ chúng.
Nếu chúng ta muốn thành công, chúng ta phải biết chiến đấu chống lại những cảm xúc đau khổ đó. Chúng ta bắt đầu thực hành giáo pháp của đức Phật, bằng cách tìm đọc kinh sách và lắng nghe sự chỉ dạy của các bậc thầy kinh nghiệm. Ðiều này giúp chúng ta cải thiện hoàn cảnh khó khăn trong vòng lẩn quẩn khổ đau của đời sống và hiểu rõ phương pháp tu hành để vượt thoát khỏi cảnh phiền não ấy.
Qua việc nghiên cứu học tập như vậy chúng ta sẽ có được “những hiểu biết nhờ lắng nghe”. Nó cũng là nền tảng cần thiết cho sự phát triển tâm linh. Sau đó, chúng ta nên triển khai những điều chúng ta đã học hỏi được đến một nhận thức sâu sắc hơn. Hành động này mang lại cho chúng ta có được “những hiểu biết nhờ sự quán chiếu”. Một khi chúng ta đã chọn lựa một chủ đề, chúng ta tập trung thiền quán vào đó cho đến lúc tâm chúng ta hòa nhập với nó. Ðiều này sẽ mang đến cho chúng ta một kiến thức kinh nghiệm gọi là “những hiểu biết nhờ thiền định”.
Ba trình độ hiểu biết trên rất cần thiết trong việc làm thay đổi thực sự cuộc sống của chúng ta. Với những hiểu biết qua nghiên cứu học tập niềm tin của chúng ta trở nên vững chắc hơn, mang lại sự thấu triệt thông suốt về thiền định.
Nếu chúng ta thiếu những hiểu biết có được nhờ nghiên cứu học tập và suy niệm thì dù có chuyên tâm thiền định, chúng ta cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong chủ đề chúng ta đang thiền định. Ðó là bản chất vòng lẩn quẩn sự khổ đau của chúng ta. Ðiều này cũng giống như là chúng ta bị ép buộc phải gặp một người mà chúng ta không muốn gặp. Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần phải cố gắng thực hiện được ba trình độ hiểu biết này liên tục với nhau.
Hoàn cảnh xung quanh ảnh hưởng nhiều đến chúng ta. Chúng ta cần có một nơi yên tĩnh để tu tập. Ðiều thiết yếu nhất là chúng ta nên hành thiền nơi vắng vẽ. Nhờ vậy, tâm hồn chúng ta mới không bị xáo trộn và phiền não.
Kẻ Thù Nguy Hiểm Nhất
Việc thực hành Phật Pháp của chúng ta phải là một sự tinh tấn lâu dài nhằm đạt mục đích thoát khỏi những điều đau khổ. Nó không đơn thuần là một hành vi đạo đức nhờ đó chúng ta tránh được các hành động tiêu cực và phát huy những việc làm tích cực.
Trong khi hành trì tu tập, chúng ta cố gắng tìm cách vượt qua hoàn cảnh mà tất cả chúng ta đều nhận thấy là nạn nhân của những đau khổ tinh thần - kẻ thù của sự bình an và thanh thản. Những khổ đau này - như là sự luyến ái, tức giận, tính kiêu ngạo và lòng tham v.v. là những trạng thái tinh thần khiến chúng ta hành động tạo ra các phiền não và đau khổ cho bản thân mình.
Vào lúc tu tập nhằm đạt đến sự an lạc và hạnh phúc trong tâm hồn, chúng ta nên xem chúng như là ma quỷ, bởi vì giống như ma quỷ, chúng có thể ám ảnh chúng ta và mang đến cho chúng ta những điều khổ đau. Trạng thái vượt ra khỏi những cảm xúc và ý nghĩ tiêu cực, cũng như mọi nỗi buồn phiền âu lo gọi là Niết Bàn (Nirvana).
Ðầu tiên, chúng ta không thể chiến đấu trực tiếp với những sức mạnh tiêu cực trên. Chúng ta phải từ từ đến gần chúng. Trước hết chúng ta nên áp dụng giới luật, chúng ta kiềm chế để khỏi bị tràn ngập bởi những ý nghĩ và cảm xúc tiêu cực này. Chúng ta hành động như vậy bằng cách chọn một cuộc sống đạo đức.
Theo Phật giáo, điều ấy có nghĩa là chúng ta nên cố gắng giữ gìn không làm mười điều ác nơi thân gồm có sát sanh hay trộm cắp; khẩu nghiệp ở miệng tức nói dối và nói lời đâm thọc cùng các việc làm ác phát xuất từ ý nghiệp như lòng tham, sự tức giận và hận thù.
Khi nghĩ tưởng đến các hành vi bất thiện trên, chúng ta sẽ nhận thấy rằng những cảm xúc như lòng quyến luyến đắm say - đặc biệt là tánh nóng giận và lòng thù hận là những cảm xúc rất tai hại khi chúng xuất hiện nơi chúng ta và nhiều kẻ khác. Người ta có thể nói rằng những xúc cảm này là một sức mạnh thực sự phá hoại trên thế gian hiện nay. Chúng ta cũng có thể bảo rằng phần lớn mọi phiền não và khổ đau mà chúng ta gặp phải, căn bản chúng ta đã tự tạo, đều hoàn toàn xuất phát từ những cảm xúc tiêu cực nói trên. Thực vậy, tất cả mọi nỗi khổ đau đều là hậu quả trực tiếp của những cảm xúc tiêu cực này như sự quyến luyến, lòng tham, tánh ganh ghét, kiêu ngạo, sự tức giận và hận thù.
Mặc dù ngay từ đầu chúng ta không thể tận diệt hết những cảm xúc tiêu cực, nhưng ít ra cũng không hành động theo chúng. Từ đây, chúng ta nỗ lực phát triển sự tu tập thiền định của mình để trực tiếp chống lại những khổ đau nội tâm và luyện tập sâu sắc đức tính từ bi của chúng ta. Sau cùng, chúng ta cần diệt trừ hết mọi nổi khổ đau, bằng cách nhận thức rõ cuộc đời vốn là không.
Lòng Từ Bi
Lòng Từ Bi là gì? Lòng Từ Bi là điều mong ước mọi người khác không còn đau khổ. Nhờ thực hành tâm từ bi chúng ta đạt đến sự giác ngộ. Lòng từ bi khích lệ chúng ta thực hành những việc làm đạo đức nhằm hướng đến quả vị thành Phật. Do đó, chúng ta cần nỗ lực tinh tấn phát triển tâm từ bi.
Sự Thông Cảm
Bước đầu tiên để có được lòng từ bi là chúng ta nên thông cảm xót thương hoặc sống gần gũi với người khác. Chúng ta cũng phải thấu hiểu những hoàn cảnh khổ đau của họ. Càng sống gần gũi với một người nào đó, chúng ta càng nhận thấy sự đau khổ không chịu đựng nỗi của kẻ ấy. Sự gần gũi mà tôi nói ở đây không phải là sự gần gũi về thể xác, cũng không phải là sự gần gũi về tình cảm. Ðó là ý thức trách nhiệm, sự quan tâm của chúng ta đến mọi người.
Ðể phát huy sự gần gũi như vậy, chúng ta cần bày tỏ tấm lòng đạo đức muốn thương yêu tất cả mọi người. Chúng ta phải nhận thức rằng sự gần gũi sẽ giúp cho tâm con người an lạc và hạnh phúc. Chúng ta cũng hiểu mọi người sẽ kính trọng và mến yêu chúng ta biết bao khi chúng ta đối xử tốt với họ.
Chúng ta cần suy nghĩ đến những khuyết điểm của tánh tự cao tự đại, nhận thức rằng nó gây ảnh hưởng xấu đến các hành động vô đạo đức của chúng ta ra sao và sự giàu sang hiện nay của chúng ta đã tước đoạt nhiều quyền lợi của những người kém may mắn như thế nào.
Việc quan trọng là chúng ta nên bày tỏ lòng thương yêu đối với mọi người. Ðiều này là kết quả của hành động tu tập đức tính hỷ xã và thông cảm. Chúng ta cần nhận biết rằng tài sản của chúng ta tùy thuộc vào sự hợp tác và đóng góp của nhiều người khác. Mọi khía cạnh phúc lợi hiện nay của chúng ta là do sự nỗ lực làm việc của mọi người.
Khi chúng ta nhìn xung quanh mình, ngôi nhà chúng ta đang ở, con đường mà chúng ta đi, quần áo chúng ta mặc, thực phẩm mà chúng ta ăn, chúng ta phải hiểu rằng tất cả các thứ này đều do mọi người làm ra. Không có cái gì tồn tại cho chúng ta thụ hưởng và sử dụng mà không xuất phát từ lòng tốt của nhiều người vô danh đã giúp chúng ta. Khi chúng ta suy nghiệm theo cách này, lòng cảm mến của chúng ta đối với mọi người sẽ phát triển, sự thông cảm và gần gũi với họ cũng tăng lên.
Chúng ta phải ý thức rõ sự nương tựa, tùy thuộc của chúng ta vào những người mà chúng ta cảm thấy thương yêu. Sự nhận thức này giúp chúng ta gần gũi với họ hơn. Nó đòi hỏi sự quan tâm đến những người khác hơn là nghĩ đến bản thân mình. Chúng ta phải nhận thấy rằng tác động ảnh hưởng to lớn của chúng đối với nguồn phúc lợi hạnh phúc của mọi người. Khi chúng ta chống trả lại cái nhìn thế giới với tánh ngã mạn kiêu căng của mình, chúng ta có thể thay thế vào đó là một thái độ biết tôn kính mọi người. Chúng ta cũng không nên mong chờ sự thay đổi nhanh chóng cái nhìn của chúng ta đối với những kẻ khác.
Nhận Ra Sự Ðau Khổ Của Mọi Người
Sau khi phát triển sự thông cảm và gần gũi, hành động quan trọng tiếp theo là tu tập hạnh từ bi để hiểu rõ bản chất của sự khổ đau. Lòng từ bi của chúng ta đối với mọi chúng sinh phải xuất phát từ nhận thức nỗi đau khổ của họ. Ðiều đặc biệt khi nghĩ tưởng đến sự khổ đó là nó có khuynh hướng trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn nếu chúng ta tập trung vào chính đau khổ của chúng ta rồi sau đó mở rộng nghĩ đến sự đau khổ của những người khác. Lòng từ bi của chúng ta đối với mọi người sẽ phát triển khi sự nhận biết của chúng ta về nỗi đau khổ của họ tăng lên.
Tất cả chúng ta hẳn nhiên có thiện cảm với những người đang chịu đựng sự khổ đau về bệnh tật hoặc buồn khổ khi gặp cảnh mất mát người thân. Loại đau khổ này theo Phật giáo gọi là “khổ khổ” hay nổi khổ của sự khổ.
Người có lòng từ bi xót thương những kẻ khổ đau mà Phật giáo gọi là “nỗi đau khổ của sự đổi thay” thì khó khăn hơn. Ðây là loại khổ đau thứ hai. Khi chúng ta nhìn thấy mọi người thích thú với những thành công trần tục đó, thay vì cảm thấy xót thương vì chúng ta biết rằng niềm vui ấy cuối cùng rồi sẽ chấm dứt và bỏ lại cho họ với những nỗi thất vọng chán chường, thường thì phản ứng của chúng ta cảm thấy ngưỡng mộ và đôi khi là ganh ghét.
Nếu chúng ta thực sự thấu hiểu về nỗi khổ và bản chất của nó, chúng ta sẽ nhận biết rằng danh tiếng cũng như của cải đều là tạm bợ và niềm vui cuối cùng sẽ phải tự nhiên kết thúc, để rồi gây khổ đau cho con người.
Có một loại đau khổ thứ ba sâu sắc hơn và tinh vi nhất. Chúng ta thường xuyên chịu đựng sự đau khổ này, nó là sản phẩm của cái vòng lẩn quẩn. Bản chất của nó là cuộc sống lẩn quẩn mà chúng ta chịu ảnh hưởng liên tục của những cảm xúc và ý nghĩ tiêu cực. Và khi chúng ta dưới sự kiểm soát của nó, cuộc sống của chúng ta là một hình thức đau khổ.
Loại đau khổ này ngập tràn cuộc sống của chúng ta, quay chúng ta trong cái vòng lẩn quẩn của những cảm xúc tiêu cực và các hành động vô đạo đức. Tuy nhiên, hình thức đau khổ này rất khó nhận ra. Nó không phải là trạng thái đau khổ rõ rệt mà chúng ta gặp phải ở loại “đau khổ trong khổ đau”. Nó cũng không phải là điều ngược lại của sự giàu sang và danh vọng như chúng ta tìm thấy trong “đau khổ của sự đổi thay”. Nhưng sự đau khổ tỏa khắp này là loại khổ đau sâu sắc nhất. Nó ngập tràn trong mọi khía cạnh của cuộc đời.
Một khi chúng ta trau dồi được sự thấu hiểu sâu sắc về ba mức độ đau khổ này qua chính kinh nghiệm bản thân của chúng ta, dễ dàng cho chúng ta tập trung tìm hiểu và nhận ra được ba mức độ đau khổ của nhiều người. Từ đó, chúng ta có thể phát triển lòng ước mong mọi người thoát khỏi sự khổ đau.
Một khi chúng ta kết hợp được ý nghĩ cảm thông với mọi người với sự thấu hiểu sâu sắc về nỗi khổ đau mà họ chịu đựng, chúng ta sẽ có khả năng phát huy lòng từ bi chân thành đối với nhiều kẻ khác. Chúng ta phải thực hiện điều này liên tục, chúng ta có thể so sánh sự kiện này với việc chúng ta mồi lửa bằng cách cọ xát hai viên đá với nhau.
Ðể có thể cháy được, chúng ta biết rằng chúng ta cần phải liên tục duy trì sự mài xát làm tăng nhiệt độ lên tới một mức mà gỗ có thể bén lửa cháy được. Tương tự khi chúng ta cố gắng phát triển các năng lực tinh thần như lòng từ bi, chúng ta phải tinh tấn áp dụng những kỹ thuật tâm linh cần thiết để đạt đến kết quả mong muốn. Nếu mãi dùng các phương pháp may rủi, chúng ta sẽ không bao giờ thành công.
Trích từ sách: An Open Heart
Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma

Chuyển ngữ: HT Thích Trí Chơn

Tu Luyện Tâm Xả

Viết bởi Tuệ Dũng   
Để bày tỏ lòng thương chân thật đối với mọi người, chúng ta phải xóa bỏ sự thiên vị trong thái độ của chúng ta đối với họ. Ý nghĩ bình thường của chúng ta đối với kẻ khác luôn bị khống chế ảnh hưởng bởi những cảm xúc phân biệt và dao động. Chúng ta có cảm giác gần gũi với người chúng ta thương. Đối với những người lạ hay không quen chúng ta cảm thấy xa cách. Và đối với những kẻ chúng ta thù ghét, không thân thiện hay cách biệt, chúng ta cảm thấy ác cảm hay khinh miệt.
Tiêu chuẩn mà chúng ta phân loại mọi người thành kẻ thù hay bạn bè rất rõ ràng. Nếu một người gần gũi hay tử tế tốt bụng với ta, người đó là bạn của ta. Nếu một người làm hại hoặc gây khó khăn cho ta, người đó là kẻ thù của ta. Kèm với sự ưa thích mà chúng ta dành cho các người thân thương là những tình cảm như lòng quyến luyến và sự mong ước được gần gũi mến yêu.
Tương tự, chúng ta dành cho những người chúng ta không thích với những cảm xúc tiêu cực như tức giận hay oán thù. Do đó, lòng từ bi của chúng ta dành cho mọi người luôn có giới hạn, thiên vị, thành kiến và với điều kiện là liệu chúng ta cảm thấy có gần gũi được với họ hay không.
Lòng từ bi chân thật phải là vô điều kiện. Chúng ta nên thực hành tâm xả để vượt qua những cảm xúc phân biệt và thiên vị. Phương cách để tu luyện tâm xả là chúng ta suy nghiệm về tính không bền chắc của tình bạn. Trước hết chúng ta cần suy xét để nhận thấy không có gì bảo đảm rằng người bạn thân của chúng ta hôm nay sẽ mãi mãi là bạn thân suốt đời. Tương tự chúng ta có thể tưởng tượng rằng người mà chúng ta không ưa thích không hẳn sẽ mãi mãi như vậy. Các suy nghĩ đó khuếch tán những cảm xúc mạnh mẽ của sự thiên vị và hủy diệt tính bất biến của tình cảm lưu luyến trong chúng ta. 
Chúng ta cũng có thể suy niệm về những hậu quả tiêu cực của lòng quyến luyến mà chúng ta dành cho bạn bè và ác cảm đối với kẻ thù. Những cảm giác của chúng ta đối với bạn bè và người yêu đôi khi làm cho chúng ta mù quáng. Chúng ta phóng đại những phẩm chất mà mình khao khát nơi người đó và tin chắc là mình không hề sai lầm. Sau đó, khi chúng ta nhận thấy sự việc không đúng với những gì mà chúng ta phóng đại rồi chúng ta choáng váng. Chúng ta đu đưa rơi từ đỉnh cao tột cùng của tình yêu và mong ước xuống đến sự thất vọng, chán ghét và thậm chí là tức giận. Ngay cả cảm giác hài lòng và thỏa mãn trong mối liên hệ với một người nào đó mà chúng ta yêu thương có thể dẫn đến sự thất vọng, chán nản và căm thù. Các phần tử có cảm xúc mạnh mẽ như những người có tình yêu lãng mạn và lòng căm thù chính trực thường bị lôi cuốn bởi những cảm xúc này và niềm vui của họ chỉ thoáng qua. Theo quan điểm Phật giáo, tốt hơn hết chúng ta không nên nắm giữ những cảm xúc như vậy ngay từ lúc đầu.
Những hậu quả khi bị chế ngự bởi lòng hận thù là gì? Danh từ “Shedang” hay “căm thù” của Tây Tạng có nghĩa là sự thù nghịch từ nơi sâu thẳm trong lòng. Có một điều gì đó không hợp lý khi chúng ta phản ứng lại những điều bất công hoặc gây tổn hại bằng tâm thù hận. Lòng căm thù của chúng ta chẳng gây ảnh hưởng đến thân xác kẻ thù của chúng ta, nó không làm tổn hại cho họ. Đúng hơn, chính chúng ta lãnh chịu những hậu quả xấu, đắng cay do lòng hận thù của chúng ta gây ra. Nó đục khoét chúng ta từ bên trong. Khi tức giận, chúng ta ăn chẳng biết ngon. Chúng ta không thể ngủ thẳng giấc, nằm lăn qua trở lại suốt đêm mà không cách nào chợp mắt được. Nó ảnh hưởng sâu xa đến chúng ta trong khi đó kẻ thù của chúng ta tiếp tục sống vui vẻ hạnh phúc không biết gì đến tình trạng phiền muộn của chúng ta.
Vượt thoát ra khỏi lòng hận thù và tức giận, chúng ta có thể xử lý mọi tình huống có kết quả tốt hơn nhiều. Nếu chúng ta tiếp xúc mọi việc với tâm xả chúng ta sẽ nhìn thấy vấn đề một cách rõ ràng hơn và từ đó giúp chúng ta áp dụng phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Ví dụ, nếu một đứa bé đang làm một hành động gì đó gây nguy hiểm cho chính nó và mọi người như là chơi với những que diêm, chúng ta có thể trừng phạt nó. Khi chúng ta đối xử một cách thẳng thắn như vậy, một điều rất có thể xảy ra là đứa bé sẽ không phản ứng sự tức giận của chúng ta mà đáp lại ý thức khẩn cấp và lo ngại của chúng ta.
Đây là cách giúp chúng ta nhận biết rằng kẻ thù đích thực hiện đang nằm trong lòng chúng ta. Đó là tính ích kỷ, lòng quyến luyến và sự tức giận của chúng ta. Chúng ta nên biết khả năng kẻ thù gây hại cho chúng ta rất hạn hẹp. Nếu một người nào đó thách thức kích động chúng ta, chúng ta nên kiềm chế bản thân mình không trả đũa lại, thì dù cho người đó có làm gì đi nữa họ cũng không thể gây hại cho chúng ta. Trái lại, khi những cảm xúc mạnh mẽ như vô cùng tức giận, căm thù hay lòng ham muốn xuất hiện, chúng tạo nên sự rối loạn trong tâm hồn chúng ta. Ngay lập tức chúng phá hoại sự an lạc trong tâm chúng ta cũng như tạo nên sự buồn phiền, đau khổ và hủy diệt công đức tu hành của chúng ta.
Khi chúng ta hành trì tâm xả, chúng ta có thể nhận thức được rằng những khái niệm về “kẻ thù” và “bạn bè” có thể thay đổi và tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Không có ai vừa mới sinh ra đã là bạn bè hay là kẻ thù của chúng ta và cũng không có gì bảo đảm rằng các thân hữu mãi mãi sẽ là bạn bè của chúng ta. “Bạn bè” và “kẻ thù” được phân chia tùy thuộc vào thái độ cư xử của họ đối với chúng ta. Những người mà chúng ta tin rằng họ yêu thương và chăm sóc chúng ta, chúng ta thường xem họ như những người bạn thân và thương mến của mình. Những người mà chúng ta tin rằng họ có những ý nghĩ xấu và muốn làm hại chúng ta là những kẻ thù của chúng ta. Cho nên, chúng ta xem mọi người là bạn bè hay kẻ thù đều dựa trên nhận thức về những ý tưởng và cảm xúc mà họ dành cho chúng ta. Vậy thì, không có ai thực sự là bạn bè hay kẻ thù của chúng ta. 
Chúng ta thường nhầm lẫn giữa hành động của một người và con người thực sự của họ. Thói quen này khiến chúng ta quyết định rằng bởi vì một hành vi hay lời nói nào đó, người ấy trở thành kẻ thù của chúng ta. Tuy nhiên, thực ra người đó không hẳn là bạn và cũng không phải là thù. Họ không phải là Phật tử hay Thiên Chúa giáo; không phải là người Trung Hoa; cũng không phải là người Tây Tạng. Trong nhiều trường hợp, một người mà chúng ta liên hệ lâu dài có thể thay đổi và trở thành người bạn thân nhất của mình. Cho nên, chẳng có gì lạ khi chúng ta nghĩ rằng: “Ồ! Bạn đã từng là kẻ thù của tôi trong quá khứ, nhưng hiện tại chúng ta là những người bạn tốt”.
Phương pháp khác để tu tập tâm xả, cũng như vượt qua cảm xúc thiên vị và phân biệt là chúng ta nên suy nghĩ rằng mọi người đều bình đẳng và khao khát được có hạnh phúc cùng không thích khổ đau. Thêm nữa, tất cả chúng ta đều cảm thấy rằng mình có quyền hoàn thành khát vọng này. Làm sao chúng ta biện hộ cho điều ấy? Rất đơn giản, nó là một phần trong bản chất căn bản của con người. Tôi không phải là người duy nhất, bạn cũng không có một đặc quyền nào cả. Khao khát của tôi muốn được hạnh phúc và vượt qua đau khổ là một phần trong bản tính của tôi; đó cũng là một phần trong bản tính của bạn. Như vậy, tất cả mọi người đều có quyền hưởng hạnh phúc và tránh khổ đau, đơn giản vì mọi người có chung bản tính căn bản này.
Dựa trên nền tảng của sự bình đẳng này, chúng ta nên phát triển tâm xả đối với mọi người. Trong lúc thiền định, chúng ta cần luyện tập tư tưởng “Chính bản thân tôi muốn sống có hạnh phúc và không thích khổ đau, mọi người khác cũng vậy; chính bản thân mình đương nhiên có quyền thỏa mãn khát vọng này và mọi người cũng có”. Chúng ta nên lập lại ý tưởng này vào lúc chúng ta thiền định và cả trong cuộc sống hằng ngày cho đến khi nó thấm nhuần vào tâm hồn chúng ta. 
Còn một điều quan trọng cuối cùng, là con người, hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc rất nhiều vào đời sống của mọi người và chính sự sống của chúng ta là kết quả của sự đóng góp của nhiều người khác. Sự ra đời của chúng ta phụ thuộc vào cha mẹ chúng ta. Sau đó, chúng ta cần sự chăm sóc và tình thương của cha mẹ chúng ta trong nhiều năm. Sinh kế, nơi ở và phương tiện sinh sống của chúng ta; ngay cả sự thành công và danh tiếng của chúng ta cũng là kết quả của nhiều đóng góp của vô số người khác. Trực tiếp hay gián tiếp, nhiều người liên hệ đến sự tồn tại của chúng ta – chưa kể đến hạnh phúc của chúng ta. 
Nếu chúng ta mở rộng sự suy luận vượt khỏi giới hạn của một đời người, chúng ta có thể nhận thấy rằng trải qua nhiều kiếp trước của chúng ta - thực ra, kể từ lúc khởi thủy khai thiên lập địa, rất nhiều người đã đóng góp vô số kể vào hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta có thể kết luận: “Ta dựa vào đâu để mà đối xử phân biệt? Tại sao mình có thể bày tỏ thân thiện với một số người và thù nghịch với một số người khác? Ta phải vượt qua mọi cảm xúc phân biệt và thiên vị. Mình phải giúp đỡ cho mọi người một cách bình đẳng như nhau”.
Trích từ sách: An Open Heart
Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Một Thế Giới Từ Bi
Trần Khải
 
 

Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa tròn 76 tuổi hôm Thứ Tư 6-7-2011, một ngày cũng là khởi đầu cho một loạt buổi thuyết giảng, truyền pháp và hướng dẫn tu học pháp môn Kalachakra cho nhiều ngàn Phật Tử tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
 

Giữa một thế giới đầy bạo lực, trọn cuộc đời của ngài chỉ là để biến nơi này trở thành một thế giới từ bi hơn. Ngài bước đi từ cõi nước này qua lãnh thổ nọ, nói chuyện từ đại học này qua thiền viện nọ... nơi nơi không phải để chiêu dụ cải đạo, không phải để hăm dọa những ai không theo ngài sẽ rớt xuống địa ngục, mà chỉ để làm cho cõi này trở thành từ bi hơn, để người với người thực sự tôn trọng nhau và yêu thương nhau.
 

Lòng từ bi của ngài thể hiện ngay trong cách xử thế đối với cả các chuyển biến tại quê nhà Tây Tạng. Khi những cuộc biểu tình xảy ra hàng loạt vào tháng 3-2008 tại Lhasa cũng như tại nhiều thành phố và thiền viện Tây Tạng, khi hàng ngàn vị sư ra phố biểu tình, và khi công an Trung Quốc đưa côn đồ trà trộn vào người biểu tình để đốt nhà, để đập các cửa tiệm và để làm mất chính nghĩa bất bạo động của Phật Giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã yêu cầu tất cả tự chế, hãy ngưng ngay bạo động và nhắc nhở chư Tăng phải sống với lòng từ bi.
 

Trong những cuộc phỏng vấn, nói chuyện trước giờ, ngài cũng luôn luôn nhắc về lòng từ bi, nghĩa là tôn chỉ của yêu thương, tử tế, giúp người.
 

Những câu nói của ngài thường được báo giới nhắc tới như:
 

Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không cần gì tới chùa chiền; không cần gì tới triết lý phức tạp. Trí óc của chúng ta đây, quả tim của chúng ta đây, chính là ngôi chùa, ngôi đền của chúng ta; triết lý chính là lòng từ bi.”
 

Ngài cũng không đặt vấn đề phải tấn công tôn giáo khác, hay phải hù dọa về hình phạt đời sau đối với người khác đạo. Cái nhìn của ngài lúc nào cũng từ bi: “
Tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều căn bản mang cùng một thông điệp, đó là yêu thương, từ bi và tha thứ... điều quan trọng là, các thông điệp này phải là một phần đời sống thường nhật của chúng ta.”
 

Ngôn ngữ tôn trọng các truyền thống tôn giáo khác thật hiếm hoi trên đời này. Chỉ có những người có tâm độ lượng như Đức Đạt Lai Lạt Ma mới gạt bỏ mọi thứ linh tinh để nhìn vào cốt tủy của các tôn giáo và rồi mới thấy cần bao dung nhau.
 

Trả lời một câu hỏi rằng có thể nào một người vừa là tín đồ Ki Tô Giáo (Christianity, còn dịch là Cơ Đốc Giáo, hay Thiên Chúa Giáo), vừa là Phật Tử được không, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời:
 
“... Tôi đã trả lời câu hỏi này một cách gián tiếp khi tôi nói rằng niềm tin vào một Đấng Sáng Tạo có thể đi kèm với sự hiểu biết về Tánh Không. Tôi tin có thể bước đi trên đường tâm linh và hòa hài Ki Tô Giáo với Phật Giáo.
 
Nhưng khi tới một mức độ chứng ngộ nào đó, sẽ phải cần lựa chọn giữa 2 con đường này. Tôi mới đây đã có loạt thuyết giảng tại Mỹ và một trong những thuyết giảng này là về sự kham nhẫn và bao dung. Vào cuối buổi thuyết giảng, có một nghi lễ để lập Nguyện Bồ Tát. Một linh mục Ki Tô Giáo trong hội trường muốn lập nguyện này. Tôi mới hỏi vị đó rằng, vị đó có quyền tự quyết định như thế không, và rồi vị này trả lời rằng có quyền đó, dĩ nhiên, vị này có thể lập nguyện, và vẫn là một Cơ Đốc Nhân.”
 

Đạo Phật đã vào Hoa Kỳ với lòng từ bi như thế. Và Đức Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân của lòng từ bi chân thật.
Lòng từ bi đó của ngài là điều mà ngài thể hiện thực sự. Hãy nhìn xem cách ngài đối xử với dân Tây Tạng: ngài đã từ bỏ vai trò lãnh đạo chính trị, để chỉ thuần tuý giữ vai trò người thầy dạy đạo. Không ai có thể ép ngài phảỉ từ bỏ vai trò chính trị. Thậm chí nhiều vị lãnh đạo cộng đồng Tây Tạng lưu vong thỉnh nguyện rằng ngài cần phải ngồi trên ngai vàng muôn năm trường trị. Nhưng không, quyền lực chính trị chỉ là phương tiện để cứu dân, cứu nước – khi thấy cần từ bỏ là từ bỏ liền, và ngài đã thiết lập ngay một nền dân chủ, cho bầu cử tự do để chọn lên một vị Thủ Tướng Tây Tạng lưu vong. Chính Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xóa bỏ định chế 400 năm trên ngôi lãnh đạo của dân tộc Tây Tạng.
 

Đó là một sự hy sinh hiếm hoi: xóa sổ một định chế lãnh đạo tôn giáo đã có truyền thống nhiều trăm năm. Và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm một điều tuyệt vời như thế.
 

Hôm Thứ Năm 7-7-2011, các vị dân cử Hoa Kỳ đã đón ngài tới tòa nhà quốc hội, đã ca ngợi Đức Đạt Lai Lạt Ma như một cảm hứng toàn cầu, trong khi thúc giục Tổng Thống Barack Obama hãy kình với Trung Quốc để gặp vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong.
 

Chủ Tịch Hạ Viện Hoa  Kỳ John Boehner, nhân vật quyền lực cao hàng thứ 3 Hoa Kỳ, theo Hiến Pháp Mỹ, đứng bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma và nói, “Cuộc đời ngài đã làm điển hình cao thượng cho các nước như chúng ta đang hoạt động để lan trải tự do, bao dung và tôn trọng phẩm giá con người.”
 

Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại về cách Trung Quốc trong năm 1954 đưa ngàì tới Bắc Kinh để dự Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc đầu tiên, và về cách sau này ngài quan sát quốc hội Ấn Độ dưới thời Thủ Tướng Jawaharlal Nehru.
 

Đức  Đạt Lai Lạt Ma cười, kể lại, “Tại Bắc Kinh, Quốc Hội họp lặng lẽ. Trong khi ở Ấn Độ, quốc hội họp ồn ào, và các dân biểu cứ ưa thích chỉ trích nhau. Tôi có rất nhiều ấn tượng tốt đẹp về hệ thống dân chủ này, nghĩa là tự do phát biểu, tự do nói, ai cũng bình đẳng cả.”
 

Phải chi ai cũng học được điều này: Tự do và dân chủ là sản phẩm của từ bi và bao dung. Bởi vì có từ bi mới biết thực sự tôn trọng người khác, mới mong muốn làm người khác hạnh phúc.
 

Từ bi là chìa khóa vậy. Một lần, Đức Đạt Lai Lạt Ma kể về một vị sư già, sau khi bị nhà nước CSTQ giam tù 20 năm, đã vượt biên trốn sang Ấn Độ. Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi vị sư già này, rằng trong 20 năm tù kia, nhà sư lo sợ điều gì nhất. Vị sư già trả lời, rằng trong 20 năm trong tù lúc nào cũng chỉ lo sợ có mỗi một điều:
chỉ sợ rằng mình mất đi Bồ Đề Tâm, chỉ sợ có khi nào khởi lên lòng oán giận các cai tù, chỉ sợ có khi nào lòng mình khởi lên căm thù... Chỉ sợ lòng mình không giữ được từ bi, nhẫn nhục...
 

Trong một buổi họp báo tại Vancouver, Canada vào tháng 9-2006, ngài nói, “Đã tới lúc phải giáo dục mọi người, hãy ngừng mọi tranh cãi nhân danh tôn giáo, văn hóa, quốc gia, hệ thống kinh tế hay chính trị dị biệt. Chiến tranh kình nhau chỉ vô ích. Chỉ là tự sát thôi.”
 

Địa cầu này quả nhiên đã trở nên quá hẹp, mà không bao dung nhau là tất sẽ đẩy nhân loại dần  tới chỗ hủy diệt.
Tấm lòng bao dung của ngài còn thể hiện qua câu nói trong bài phỏng vấn của báo The Daily Telegraph năm 2006, “Tôi không muốn chiêu dụ người khác cải đạo sang Phật Giáo -- tất cả các tôn giáo lớn, khi được hiểu đúng đắn, có cùng một khả thể cho sự tốt đẹp.”
 

Nhưng, tuy từ bi và bao dung như thế, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn nói rõ các dị biệt tôn giáo. Ngài nói trong bài Diễn Văn Buổi Tối Lễ Nhận Giải Nobel, nơi trang 115:
 

“Đạọ Phật không chấp nhận lý thuyết về Thượng Đế, hay một đấng sáng tạo. Đạọ Phật giảỉ thích rằng, trong tận cùng, hành
 
động của chúng ta mới là đấng sáng tạo... Từ một điểm nhìn, Đạo Phật là một tôn giáo, từ điểm nhìn khác thì Đạo Phật là
khoa học về tâm thức và không phải là tôn giáo. Đúng ra, Đạo Phật có thể là một chiếc cầu giữa 2 điểm nhìn này."
 

Từ bi và bao dung, nhưng vẫn trí tuệ tuyệt vời. Đó là hiện thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma vậy.

Chuyển ngữ: HT Thích Trí Chơn

No comments: